Quay trở lại danh sách
Tin tức

Khoa kinh tế trường đại học Thương mại luôn tạo điều kiện để sinh viên được phát triển toàn diện

01/10/2024

Năm 1960, chuyên ngành Kinh tế - Kế hoạch thương nghiệp (gọi tắt là Kinh tế thương nghiệp) - tiền thân của chuyên ngành Kinh tế thương mại và Quản lý kinh tế được thành lập (thuộc ngành Kinh tế hiện nay). Do yêu cầu về mặt tổ chức và hoàn thiện mô hình quản lý các chuyên ngành đào tạo, ngày 18/6/2013 Trường ĐH Thương mại có Quyết định số 338 sáp nhập 2 khoa là khoa Kinh tế (cũ) và khoa Luật thương mại thành Khoa Kinh tế - Luật. Đến năm 2022, Nghị quyết số 68 của Trường ĐH Thương mại đã tách khoa Kinh tế - Luật thành khoa Luật và khoa Kinh tế. Từ đó đến nay, khoa Kinh tế đã trở thành một khoa chuyên ngành độc lập, kế thừa và phát triển tất cả những thành tựu to lớn trước đó. Khoa hiện có 2 bộ môn với tổng số 41 cán bộ viên chức cơ hữu và kiêm nhiệm, một số giảng viên giữ các chức vụ quan trọng trong nhà trường. Giảng viên cơ hữu của Khoa bao gồm: 2 PGS, 2 NGƯT, 22 TS và các GV còn lại đang làm nghiên cứu sinh.

Trường ĐH Thương mại là trường công lập, tự chủ, đa ngành; có thế mạnh và uy tín cao trong đào tạo ĐH, sau ĐH; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Với tầm nhìn đến năm 2040, trường trở thành trường ĐH đa ngành. Trường đã nhận diện giá trị cốt lõi “Truyền thống, Trách nhiệm và Sáng tạo” là cơ sở đặc biệt quan trọng để khoa Kinh tế triển khai xây dựng chiến lược phát triển.

Luôn có hướng đi riêng

Là đơn vị đào tạo trong trường, khoa Kinh tế đặt mục tiêu đào tạo các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngành Kinh tế và ngành Quản lí Kinh tế, có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; nắm vững những kiến thức cơ bản và hiện đại về kinh tế - xã hội; có năng lực chuyên môn sâu về phân tích và quản lý kinh tế, có khả năng phân tích, hoạch định chính sách, tổ chức quản lý và giải quyết các vấn đề kinh tế ở các cấp độ khác nhau của nền kinh tế quốc dân.

Khoa hiện được Nhà trường phân công quản lý chuyên môn 2 ngành đào tạo là ngành Kinh tế và ngành Quản lý Kinh tế ở các bậc đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Hàng năm, khoa đào tạo khoảng gần 1.200 sinh viên chính quy theo học lấy bằng cử nhân Kinh tế, gần 500 học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành Quản lý Kinh tế.

Trong 5 năm gần đây, khoa Kinh tế đã chủ trì biên soạn và xuất bản hàng chục giáo trình, sách tham khảo chuyên ngành; một số giảng viên chủ trì các nhánh và tham gia với tư cách là thành viên 2 đề tài cấp Nhà nước, 12 đề tài khoa học cấp Bộ. Những năm vừa qua, các nhà khoa học trong khoa luôn chú trọng hoạt động công bố khoa học (có từ 60 - 70 bài báo khoa học hàng năm) trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo quốc gia, quốc tế chuyên ngành uy tín trong và ngoài nước (trong số này, một số bài báo được đăng ở các tạp chí quốc tế có chỉ số Scopus, ISI).

Năm 2022, chương trình đào tạo ngành Kinh tế của Khoa đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) quyết định cấp chứng nhận công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Năm 2024, tập thể khoa Kinh tế vinh dự đón nhận “Giấy chứng nhận xếp hạng đối sánh UPM (University Performance Metrics)” 5 sao cho chương trình đào tạo Quản lý kinh tế, từ Viện Đổi mới sáng tạo UPM thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại sẽ là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế. Khoa liên tục đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật những chương trình đào tạo mới, nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên và tạo điều kiện cho họ trải nghiệm thực tế qua các chương trình thực tập, dự án hợp tác với doanh nghiệp.

(Nguồn: Hoa Ban, Báo tiền phong ngày 03/09/2024)