Hoạt động khoa học
Hội thảo khoa học quốc tế: “Đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững” (CIISD) - Chủ đề năm 2025: “Phát triển kinh tế và thương mại Halal của Việt Nam”
Với chủ đề năm 2025 là “Phát triển kinh tế và thương mại Halal của Việt Nam” Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà ngoại giao, giới doanh nhân đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các bộ ban ngành, đại sứ quán, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để cùng chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Halal của Việt Nam.
Tới tham dự Hội thảo, về phía các đại sứ quán có sự hiện diện của: Ngài Ali Akbar Nazari – Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam; Ngài Jamale Chouaibi - Đại sứ Vương quốc Maroc tại Việt Nam, Ngài Kohdayar Marri – Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam; Bà Suhaili binti Ismail – Bộ trưởng Tham tán (Kinh tế), Đại sứ quán Malaysia; Ngài Mohammad Alghamdi - Tùy viên Đại sứ Vương quốc Ả Rập Xê Út tại Việt Nam; Ông Mohammad Alsheetan - Cố vấn của Đại sứ Nhà nước Kuwait tại Việt Nam và Đại diện Đại sứ quán tại Việt Nam của các Algeria, Kazakhstan, Kingdom of Saudi Arabia, Malaysia, State of Kuwait và Egypt.
Tham dự Hội thảo còn có sự hiện diện của các đại diện đến từ cơ quan quản lý nhà nước: Ban Chính sách Chiến lược Trung ương; Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT; Trung tâm chứng nhận Halal Quốc gia; Viện Đo lường; Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam; Cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng…. Hội thảo cũng vinh dự được tiếp đón đại diện Lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các Học viện, Viện nghiên cứu: Đại học Kinh tế Quốc dân; Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Ngoại giao; Học viện Chính sách và Phát triển…
Về phía Trường Đại học Thương mại có sự hiện diện của PGS,TS. Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng; PGS,TS. Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS,TS. Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng; GS,TS. Nguyễn Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng; PGS,TS. Nguyễn Đức Nhuận - Phó Hiệu trưởng; PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Loan - Nguyên Phó Hiệu trưởng; Các đồng chí là Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Trường.
Hội thảo đã quy tụ gần 150 các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế về lĩnh vực Halal và các tác giả có bài viết đăng Kỷ yếu Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng lớn trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal và thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia. Sự gia tăng giá trị thị trường này cho thấy, Halal đã phát triển từ một dấu hiệu nhận dạng tuân thủ tôn giáo đến trở thành một mô hình kinh tế mang tính toàn cầu - niềm tin vào chất lượng và tính bền vững của sản phẩm Halal. Việt Nam hiện đang nổi lên như là một ngôi sao kinh tế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điểm đến du lịch an toàn và thân thiện… nhưng dường như “bỏ quên” thị trường Halal đầy tiềm năng này.

Chủ trì Hội thảo là đại diện các đơn vị đồng tổ chức: PGS,TS. Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, PGS,TS Bùi Văn Huyền – Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Nguyễn Xuân Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với 2 phiên chuyên đề và 1 phiên thảo luận bàn tròn đã mang đến những thông tin cập nhật, tri thức chuyên sâu và góc nhìn đa chiều tập trung vào hai nhóm chủ đề:
(1) Kinh nghiệm quốc tế và bài học phát triển kinh tế và thương mại Halal;
(2) Triển vọng và giải pháp phát triển kinh tế và thương mại Halal của Việt Nam.
Ngài Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Ali Akbar Nazari nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác giữa Iran và Việt Nam trong thị trường Halal là rất lớn, trong đó thực phẩm là một trong những phân khúc quan trọng nhất của nền kinh tế Halal và Việt Nam có vị trí chiến lược như một cửa ngõ quan trọng vào thị trường rộng lớn này. Hơn nữa, với khát vọng mở rộng xuất khẩu sản phẩm Halal, đặc biệt sang khu vực Tây Á, Việt Nam có thể xem Iran là cầu nối tự nhiên, là một đối tác lý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu đó, Iran có sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và hệ thống pháp lý trong ngành Halal và có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng một hệ thống Halal vững mạnh, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường toàn cầu.

Cùng chia sẻ với phía Iran, Ngài Đại sứ Vương quốc Morocco tại Việt Nam, ông Jamale Chouaibi đề xuất 2 bên có thể thúc đẩy hợp tác trong trao đổi kiến thức chuyên môn, xây dựng hạ tầng phục vụ chứng nhận Halal như phòng thí nghiệm, hệ thống đánh giá kiểm định, cũng như việc điều chỉnh tiêu chuẩn Halal theo chuẩn quốc tế. Morocco có thể trở thành cầu nối để các sản phẩm Halal của Việt Nam tiến vào các thị trường châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể hỗ trợ đưa sản phẩm Morocco tới gần hơn với người tiêu dùng Đông Nam Á. “Ngoài ra, hợp tác Morocco - Việt Nam có thể được chính thức hóa thông qua các thỏa thuận và bản ghi nhớ (MoU) nhằm hài hòa tiêu chuẩn và đơn giản hóa quy trình chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường”.

Trong 4 giờ làm việc tích cực và hiệu quả, Hội thảo đã thực hiện 06 báo cáo tham luận, 05 bài phát biểu và hàng chục ý kiến thảo luận của các đại biểu từ các đại sứ quán, các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương và đặc biệt của các doanh nghiệp đã thành công và quan tâm phát triển thị trường Halal.
Hội thảo thành công tốt đẹp, không chỉ đóng góp về mặt học thuật, nhận định thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp khoa học, hàm ý chính sách đối với việc đảm bảo, phát huy tối đa nguồn lực, phát triển đa dạng thi trường trong đó có thị trường trọng điểm Halal, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Trường Đại học Thương với sứ mạng “đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao,…; nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức trong lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại sẽ đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng đó.
---------------------
Thông tin về Hội thảo trên các cơ quan truyền thông: