Quay trở lại danh sách
Đào tạo chính quy

GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ KINH TẾ, KHOA KINH TẾ - LUẬT TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI

18/05/2020
Nhiều năm gần đây, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, nhu cầu nhân lực đối với chuyên ngành Quản lý kinh tế ngày càng tăng cao (cả những bộ phận quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô), trở thành xu thế của tương lai trong thời đại toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương về nguồn lực quản lý kinh tế chất lượng cao, nhiều trường đại học trong và ngoài nước đã giảng dạy chuyên ngành này. Trong đó, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại có uy tín cao trong đào tạo cử nhân Quản lý kinh tế với kiến thức chuyên môn vững vàng, chính quy, bài bản.     

Khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Thương mại tiền thân là Khoa Kinh tế thương nghiệp được thành lập từ năm 1960. Trong lịch sử phát triển gần 60 năm, Khoa Kinh tế - Luật đã trải qua nhiều bước ngoặt quan trọng để khẳng định và đáp ứng với quá trình đổi mới và phát triển của Nhà trường, với nhu cầu đào tạo của xã hội. Khoa Kinh tế - Luật  được Nhà trường phân công quản lý và tổ chức thực hiện 2 chương trình đào tạo ở trình độ đại học là: Chuyên ngành Quản lý kinh tế và Chuyên ngành Luật kinh tế. Với bề dày lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển, môi trường học tập tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên chất lượng cao… Khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Thương mại ngày càng khẳng định và tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu trong đào tạo chuyên ngành Quản lý kinh tế.
 
Khoa FP 1

Trường Đại học Thương mại đào tạo cử nhân chuyên ngành Quản lý kinh tế có kiến thức căn bản và hiện đại về kinh tế và quản lý kinh tế, bao gồm: Kiến thức về lịch sử và tầm ảnh hưởng của các học thuyết kinh tế; những nguyên lý cơ bản về kinh tế học và ứng dụng nó trong quản lý kinh tế; mô hình và cơ chế pháp lý, hệ thống thông tin quản lý, chính phủ điện tử trong vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Cử nhân có kiến thức chuyên sâu và thực tiễn về quản lý Nhà nước về kinh tế ở tầm vĩ mô, theo ngành và địa phương, vùng lãnh thổ và quản lý kinh tế của doanh nghiệp; kiến thức phục vụ quản lý kinh tế liên quan đến phân tích và dự báo kinh tế, quản lý tài sản và ngân sách nhà nước, thuế… Hiểu biết về các kỹ thuật và phương pháp phân tích định lượng trong quản lý kinh tế; có khả năng phân tích, đánh giá và áp dụng các chính sách, qui định pháp luật trong quản lý kinh tế ở cả tầm vĩ mô và vi mô phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, Nhà trường cũng cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức bổ trợ và phát triển sang các ngành đào tạo khác thuộc khối ngành luật kinh tế, kinh tế và quản trị kinh doanh của Trường Đại học Thương mại.
 
Khoa FP 2

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế nói riêng và Khoa Kinh tế - Luật nói chung có tính độc lập, tự chủ, kỹ năng làm việc theo nhóm, có phẩm chất đạo đức tốt, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp; có kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng sử dụng tiếng Anh trong hoạt động nghề nghiệp; đạt trình độ về tin học và ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của trường Đại học Thương mại. Trên nền tảng các kiến thức và kỹ năng đã được trang bị, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế có khả năng: học liên thông sang các ngành đào tạo khác ở trình độ đại học; tiếp tục học tập ở bậc cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) trong nước và các cơ sở đào tạo nước ngoài.
 
Khoa FP 3
 
Theo khảo sát, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng là trên 90%; thu nhập và vị trí việc làm khá ổn định. Với chương trình đào tạo chuyên sâu và có tính ứng dụng cao, sinh viên tốt nghiệp và đạt chuẩn đầu ra ngành Kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế của Trường Đại học Thương mại có cơ hội công tác và có thể làm việc tại các bộ phận, cơ quan sau:
- Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế các cấp, tại:  Bộ phận hoạch định, tổ chức và kiểm tra thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô; Bộ phận hoạch định, tổ chức thực thi, kiểm tra, giám sát và phân tích, đánh giá thực thi chính sách về kinh tế, quản lý tài sản, ngân sách, thuế;  Bộ phận tổ chức triển khai, theo dõi và thực thi hội nhập kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế;  Bộ phận nghiên cứu, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư vĩ mô và dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Bộ phận đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, theo dõi và giám sát hoạt động kinh tế của doanh nghiệp theo địa bàn và ngành hàng.
- Các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, tại: Bộ phận hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách kinh doanh và thị trường của doanh nghiệp; Bộ phận triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính, đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; Bộ phận phân tích các hoạt động kinh tế, quản lý sử dụng các nguồn lực và thông tin, tư vấn quản lý doanh nghiệp.
- Các tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp; Các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo về kinh tế và quản lý kinh tế; Các trung tâm nghiên cứu và tư vấn về kinh tế và quản lý kinh tế; Tự thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế theo qui định của pháp luật.
 
Khoa FP 4

Năm 2020, chuyên ngành Quản lý kinh tế - Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại xét tuyển trên 3 tổ hợp môn thi tốt nghiệp: Toán-Lý-Hóa (A00), Toán-Lý-Anh(A01), Toán-Văn-Anh (D01). Các em học sinh thi tốt nghiệp có 3 môn đó đều có thể đăng ký ngay 01 nguyện vọng vào chuyên ngành này.
Website Khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Thương mại:
 http://kinhteluat.tmu.edu.vn/
Fanpage Khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Thương mại:
 https://www.facebook.com/ktltmu/
 
Khoa FP 5